Vài Điều Cần Biết Khóa Tu Xuất Gia Gieo Duyên Tại Tu Viện Trúc Lâm

31 Tháng Mười 20142:11 SA(Xem: 52697)

Liên Lạc: 11328 - 97 St, Edmonton, AB, Canada T5G 1X4 Phone (780) 471-1093, Fax (780) 471-5394, Email: info@truclam.ca


I/
1/. Ý nghĩa và mục đích khóa tu Xuất Gia Gieo Duyên
2/. Mười Giới Sadi thực tập trong khóa tu

II/ NỘI QUY KHÓA TU
1/ Nội Quy
2/ Thời khóa tu tập
3/ Chuẩn bị tinh thần và hành lý
4/ Ghi danh và Cúng dường
5/ Khi đến với đạo tràng
6/Vài phương pháp thực tập

III/ NGHI THỨC
1/ Nghi thức cúng Quá Đường
2/ Cách thức tác bạch thỉnh Tăng

Phụ chú: Các Bài Kệ Sử Dụng Hằng Ngày

Lời mở đầu
Đời sống con người vẫn như một dòng sông tuôn chảy mông mênh, như con thuyền lênh đênh giữa biển mù khơi không biết hướng về. Hiện thân một cách mộng mị rồi trôi lăn trong triền sóng vô minh của sinh tử chưa từng phản tỉnh. May mắn thay, đức Phật xuất hiện vào đời như ngọn hải đăng định hướng cho con thuyền.  Chấn pháp lôi, kích pháp cỗ, chuyển bánh xe Pháp, làm áng mây lành che mát mười phương. Soi sáng con người biết đâu nẻo chánh, đường tà, tỏ rõ bờ mê, bến giác.

Trong lòng từ cứu độ chúng sinh, Phật Pháp đã cung ứng cho chúng ta rất nhiều pháp môn tu tập. Tùy bệnh cho thuốc, uyển chuyển độ đời. Cảm nhận được sự khát khao cầu học hạnh xả ly, xuất gia học đạo, mà duyên trần thì quá ư chằng chịt, không phải dễ gì một bước ra khỏi.

“Xuất Gia Gieo Duyên” là cánh cửa phương tiện được mở ra để những ai mong cầu giải thoát trong hiện tại và tương lai. Truyền thống này được thực hiện trong các nước Phật Giáo Nam Truyền như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và một vài nước Phật Giáo Bắc Truyền như  Đài Loan, Trung Quốc. Riêng với Việt Nam truyền thống này còn khá mới mẻ

Đã 8 khóa tu trôi qua, từ khóa thứ nhất (2003) với hơn 30 giới tử tổ chức tại TV. Trúc Lâm đến khóa thứ 8 (2010) tổ chức tại TV. Tây Thiên đã lên được 250 giới tử mới thực hiện được quyển ‘sổ tay khóa tu’ nhỏ bé này. Hi vọng giúp quý Phật tử hiểu thêm về ý nghĩa khóa tu, hầu khi tham dự được nhiều lợi lạc.  Sách sẽ được bổ túc theo những ý kiến đóng góp hoặc những thay đổi cần thiết.

Tu Viện Trúc Lâm
Kính ghi
 
I/ Mục Đích và Ý Nghĩa :
Khóa tu Xuất Gia Gieo lần đầu tiên được tổ chức tại Tu Viện Trúc Lâm vào tháng 7 năm 2003. Mục đích là tạo điều kiện cho quí Phật tử phát tâm xuất gia cầu giải thoát mà chưa thực hiện được, nhưng có thể kết duyên lành hầu chí nguyện được thực hiện trong tương lai ở kiếp này hay kiếp khác. Đây cũng là cơ hội để quý Phật tử tìm về nơi thanh tịnh, an dưỡng thân tâm sau những tháng ngày quay cuồng trong cuộc sống. Tịnh dưỡng tinh thần, trau dồi Phật Pháp .

“Xuất Gia” là lìa khỏi gia đình thế tục để sống đời sống an lạc giải thoát của người tu sĩ. “Gieo Duyên” vì chưa thực hiện được hoàn toàn đời sống xuất gia nên xin được kết duyên lành với chí nguyện xuất trần này.

2./ Mười Giới Sadi hành trì trong khóa tu
a. Không sát hại sinh vật.
b. Không gian tham trộm cặp.
c. Không làm việc dục nhiễm.
d. Không nói dối, lường gạt.
e. Không uống rượu, hút thuốc, cờ bạc.
f. Không đeo vàng vòng, áo quần màu sắc.
g. Không đờn ca xướng hát theo thế gian.
h. Không nằm, ngồi giường cao rộng lớn.
i. Không ăn mặn và ngoài giờ ấn định.
j. Không cất chứa vàng bạc, tiền của.
 
NỘI QUY CHÚNG XUẤT GIA GIEO DUYÊN
Để trang nghiêm thân, tâm và đạo tràng, cũng như nuôi dưỡng nguồn hạnh phúc chân thật và đời sống tâm linh của mỗi cá nhân và cộng đồng tu học, xin thực hành bản nội quy dưới đây trong khi an trú tại đạo tràng tu học.

1/. Trong đạo tràng tu học nên nói năng hòa hoản, cởi mở, vui vẻ không câu nệ chấp trước, sống đúng tinh thần Lục Hòa:
a. Thân hòa đồng trụ: Cùng ở chung một chỗ, không nên tranh giành.
b. Khẩu hòa vô tranh: Nói năng hòa nhã, không lớn tiếng tranh cãi
c. Ý hòa đồng duyệt: Giao tiếp với tâm ý vui hòa, không cố chấp phiền não
d. Kiến hòa đồng giải: Cùng chia sẻ ý kiến, giải bày để cảm thông
e. Giới hòa đồng tu: Nhắc nhở nhau tu tập, không chê trách chia phe nhóm
f. Lợi hòa đồng quân: Chia sớt với nhau phần vật chất, không so đo nhiều ít.
 
2.Hoàn toàn giữ im lặng trong những khi nghe Pháp, tham thiền, ăn cơm và đi ngủ.

3.Không nên đem chuyện thị phi, thế sự bàn bạc trong đạo tràng. Tập nói ít lại, nói vừa đủ nghe, đừng để động niệm những người bên cạnh.

4. Giữ gìn oai nghi và chánh niệm khi đi, đứng, nằm và ngồi.

5. Khi nghe chuông báo hiệu nên vân tập đúng nơi chỉ định, không nên chậm trễ. Trừ trường hợp có công tác được giao phó.

6. Chỉ những người trong ban trai soạn và hành đường mới được phép ra vào nhà bếp, người không phận sự không tự ý ra vào.

7. Tận tâm làm tròn công việc được giao phó

8. Giữ gìn phòng xá ngăn nắp, sạch sẻ

9. Những vật quý không nên mang theo trong khóa tu để tránh sự thất lạc.

10. Trong khóa tu, hạn chế dùng điện thoại hay tiếp nhận điện thoại hầu tránh cho tinh thần khỏi bị ngoại duyên làm chi phối. Không được tự ý rời khỏi đạo tràng, trừ trường hợp đặc biệt phải liên lạc với vị chúng trưởng hoặc chư Tăng Ni điều hành.
 
THỜI KHÓA TU TẬP
Ngoại trừ ngày Khai mạc, bế mạc khóa tu và ngày sinh hoạt thiền trà có chương trình riêng.  Các ngày khác thời khóa như sau:

Sáng:
05:00 – thức chúng
06:00 – tọa thiền, công phu
08:00 – điểm tâm
09:30 – lớp Phật Pháp hoặc thiền hành
11:00 – quá đường, kinh hành niệm Phật

Trưa
12:30 – nghỉ trưa
02:00 – thức chúng
02:30 – lớp Phật Pháp

Chiều
04:00 – lễ Sám Hối
05:00 – dược thực
07:30 – lớp Phật Pháp
09:15 – tọa thiền, thiền lạy
10:00 – chỉ tịnh
 
CHUẨN BỊ TINH THẦN VÀ HÀNH LÝ
Đời sống người xuất gia là đời sống của những người tu tập và sống chung một đoàn thể với nhau thanh tịnh, hòa hợp và an lạc. Vì thế chính mỗi người phải tự thúc liễm thân tâm để sống hài hòa với nhau trong một đạo tràng, tránh những sự bất hòa đáng tiếc. Đó cũng là nghĩa của chữ “Tăng” vậy.

Tham dự đời sống lìa thế tục, không phải đơn giản dù chỉ trong 10 ngày.  Rất nhiều những chướng duyên từ bản thân bệnh tật, phiền não, đến hoàn cảnh và con người xung quanh. Nên mỗi hành giả cần bảo hộ thân tâm, trong từng giây phút để tránh những phiền não, động tâm, thoái chí làm uổng ý nguyện xuất gia và thời gian quí báu của mình.

Chúng tôi đề nghị mỗi hành giả có ý muốn tham dự khóa tu nên tự mỗi ngày phát tâm Sám Hối tại nhà cầu nguyện cho thân tâm an ổn, nghiệp chướng tiêu trừ, đầy đủ thuận duyên để thực hiện được chí nguyện của mình.

Đó chỉ mới phần nội tâm tu tập, bên cạnh còn phải chịu khó khắc phục những phương tiện hạn hẹp của thiền môn cũng như nơi công cộng. Phải tập hoan hỉ với mọi hoàn cảnh tiện nghi của cuộc sống hằng ngày. Vì chỉ một chút cực khổ chúng ta không khắc được thì con đường tu đạo, sống đạo và hành đạo còn gian nan hơn nhiều.

Phần hành lý cần có áo tràng lam, đồ bộ màu lam hoặc nâu (vạt hò, la-hán), y nâu (nếu có) Ngoài ra những vật dụng cá nhân, thuốc men cần thiết. Xin đừng mang theo đồ vật quí giá, đắt tiền. Tu viện có tủ riêng cho mỗi người để giấy tờ. Nếu hết chỗ, Ban Tổ Chức sẽ giữ dùm.

GHI DANH và CÚNG DƯỜNG
Xin ghi danh đăng ký với Ban Tổ chức khóa tu qua điện thoại, gửi thư hoặc email. Khi đăng ký phải ghi rõ họ tên, pháp danh, tuổi, và số phone cũng như tên và số phone người thân khi cần liên lạc trường hợp khẩn cấp.

Khi ghi danh đăng ký xin báo cho biết phương tiện đến hoặc ngày giờ đến và đi, chuyến bay để sắp xếp việc đưa đón. Cũng như cho biết số ngày tham dự.

Sau khi đăng ký, nếu có duyên sự không tham dự được, phải báo cho Ban Tổ chức biết.

Mọi cúng dường cho khóa tu là tùy tâm.
 
Khi Đến Đạo Tràng
Những vị tham dự từ ngày đầu xin có mặt trể lắm là vào ngày 31 tháng 7 để được sắp xếp và hướng dẫn trước khi khóa tu bắt đầu. Nên đến đúng ngày giờ đã quy định, đến trể xin báo tin. Đến nơi xin gặp ban tổ chức để ghi phiếu tham dự. Tối ngày 31 có lễ Sám Hối và hướng dẫn tổng quát.

Thời gian 10 ngày thật quý báu và nhanh chóng trôi qua. Vì vậy chúng ta cần trân quí từng giây phút trong đạo tràng tu học. Xin đừng đánh mất thời giờ của mình vào những thế sự, thị phi. Luận bàn hay dỡ chỉ thêm phiền não, uổng phí thì giờ và chí nguyện đến với khóa tu của mình.

Cố gắng tham gia tất cả những sinh hoạt trong ngày trừ những vị tuổi cao, sức yếu hay có bệnh duyên. Khi có bệnh nên báo cho vị chúng trưởng, Ban Tổ Chức hay chư Tăng Ni điều hành khóa tu.

Sau khi khóa tu xin hoan hỉ phụ dọn dẹp phòng ốc, trong và ngoài khuôn viên tu viện.

Xin đừng vận động tài chánh cúng dường khi không có phép của Thầy Viện Chủ hoặc Thầy Trụ Trì.
 
Vài Phương pháp thực tập
Để giúp cho chư vị giới tử có chút ít khái niệm về cách tu tập và giữ gìn uy nghi của2 người xuất gia nơi thiền môn. Xin chia xẻ một vài thực tập vài nghi thức cần thiết trong khóa tu.

- Chánh niệm
Là cốt tủy của sự tu tập trong đạo Phật. Là chìa khóa của hạnh phúc, an vui nơi thân tâm. Chánh niệm có khả năng nhận diện và sống sâu sắc, an vui trong từng giây phút hiện tại của đời sống hằng ngày. Tâm ta không bị những nuối tiếc về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu ta. Ta cũng có năng lượng nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa  những khổ đau trong ta. Trong 10 ngày tu tập ta hạn chế dùng điện thoại, để tránh ngoại duyên chi phối. Trừ trường hợp khẩn cấp và cần thiết thì nên dùng ở nơi riêng chứ không mang phone vào chánh điện trong khi tụng kinh, nghe pháp hoặc ăn cơm.
 
- Sám Hối
Là một trong những thời khóa tụng niệm trong khóa tu. Ý thức nghiệp chướng của mỗi chúng ta thật sâu dày từ quá khứ đến nay. Vì vậy để giúp cho chí nguyện tu hành của chúng ta thêm thuận duyên, chúng ta cần hết lòng sám hối mong “chúng tội tiêu diệt”.
 
- Nghe Pháp
Trong khóa tu mỗi ngày ta được nghe ba lần pháp thoại. Nghe pháp giúp cho hạt giống tuệ giác và từ bi trong đất tâm của ta thấm nhuận, nẩy mầm và lớn lên. Tôn trọng giờ nghe pháp cùng đại chúng ta hạn chế đứng dậy, di chuyển, gây ra tiếng động hay nói chuyện (trừ trường hợp đặc biệt).
 
- Ăn cơm
Là một trong những sinh hoạt thường nhật.  Nhà  chùa dùng từ  “Quá Đường” nghĩa là đến nơi ăn cơm, ăn cơm có nghi thức, có chánh niệm trong khi ăn. Nghe chuông mặc áo tràng, đắp y, cầm bình bát trang nghiêm đến trai dường và xếp hàng trong im lặng. Lấy thức ăn theo khả năng của mình, ôm bát từng bước nhẹ nhàng đến bàn xá và ngồi xuống. Mỗi miếng ăn ta thấy cả vạn vật, mọi người đã cống hiến thật nhiều cho ta có bửa ăn.
 
- Làm việc
“Chấp tác” là làm việc đã được chỉ định trong ngày. Là những sinh hoạt thường ngày ở tu viện của mỗi tu sĩ. Xin hoan hỉ tuỳ theo sức khoẻ mà ghi danh tham dự các công việc trong thời gian tu tập. Trước là tạo chút phước duyên cho bản thân sau là học hỏi kinh nghiệm. Khi làm việc một mình hay chung với người khác ta nên giữ chánh niệm, cởi mở, vui vẻ và hoà hợp. Ý thức rằng ta đang đóng góp công sức của ta vào đời sống của Tăng Thân. Hết lòng làm việc mà không câu nệ, ỷ lại.
 
- Ngủ nghỉ
Vì thời gian sinh hoạt cả ngày rất dài, nên ai cũng cần nghỉ ngơi đúng giờ giấc. Trong giờ ngủ nghỉ (chỉ tịnh) xin đừng nói chuyện, làm ồn hoặc mở đèn làm động niệm những người cùng phòng.
 
- Sử dụng
Cơ sở Tu viện Tây Thiên còn rất đơn sơ, phòng ốc thiếu tiện nghi, phương tiện thiếu kém. Rất mong được sự hoan hỉ thông cảm của chư vị giới tử. Với chí nguyện ‘xuất trần’ của mỗi giới tử chắc chắn sẽ khắc phục được mọi khó khăn, thiếu thốn. Xin tiết kiệm điện, nước.

NGHI THỨC QUÁ ĐƯỜNG
(Đại chúng ngồi yên trang nghiêm, sau ba hồi khánh, xá và để bát cơm lên ấn Tam Sơn .)
(Ấn Tam Sơn: Tay trái co ngón giữa và ngón áp út, còn 3 ngón kia dựng thẳng để bát lên. Ấn cúng dường: Tay mặt ngón áp út co lại, lấy ngón cái đè lên ngón áp út. Để dựa ngang trán, rồi tay trái đưa bát lên ngang trán. Cùng nhau đồng đọc bài cúng dường)
 
CÚNG DƯỜNG
Cúng dường Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật.
Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật.
Thiên Bá Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật.
Thập Phương Tam Thế Nhứt Thiết Chư Phật.
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát.
Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chư tôn Bồ Tát ma ha tát.
Ma ha Bát Nhã ba la mật.
Tam đức, lục vị
cúng Phật cập Tăng,
pháp giới hữu tình,
phổ đồng cúng dường,
nhược phạn thực thời
đương nguyện chúng sanh,
thiền duyệt vi thực,
pháp hỷ sung mãn.  (để bát cơm xuống)
 
Vị chủ lễ làm phép vào chén nước cúng xuất sanh.
Pháp lực bất tư nghì, từ bi vô chướng ngại, thất liệp biến thập phương, phổ thí châu sa giới. Quỉ tử mẫu khoáng giả, thần kim sí điểu vương, tất giai hoạch bảo mãn. Án độ lợi ích tóa ha. (7 lần)
 
Biến Thực Biến Thủy Chơn Ngôn (đại chúng cùng tụng, mỗi câu 3 lần)
-Nam mô tát phạ đát tha nga đa phạ lồ chỉ đế. Án tam bạt ra, tam bạt ra hồng
-Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô, tô rô bát ra tô rô ta bà ha.
-Án nga nga nẳng, tam bà phạ phiệt nhật ra hồng.
 
CÚNG XUẤT SANH (Thị Giả)
Đại bang kim sí điểu,
Khoáng dã quỷ thần chúng,
La sát quỷ tử mẫu.
Cam lồ tất sung mãn.
Án mục đế tóa ha. (7 lần)
 
XƯỚNG TĂNG BẠT (chủ lễ xướng)
 
Phật dạy ta khi ăn, nên duy trì chánh niệm. Đừng để tâm ý lo nghĩ chuyện quá khứ hoặc tương lai. Đại chúng nghe tiếng chuông, xin nhất tâm niệm Phật.
Nam mô A Di Đà Phật
 
CHÚ NGUYỆN (Hai tay bưng chén cơm lên ngang trán, thầm nguyện)
 
-Ai ơi nâng bát cơm đầy
dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
-Vạn vật tranh sống, trên trái đất này
Nguyện cho tất cả, có bát cơm đầy.
 
TAM ĐỀ  (Ăn ba muỗng cơm đầu, mỗi muỗng thầm nguyện như vầy):
 
Muỗng thứ nhứt: Nguyện không làm điều ác
Muỗng thứ hai: Nguyện làm các việc lành
Muỗng thứ ba: Nguyện độ tất cả chúng sanh.
 
(2 tay nâng bát cơm để ngang tầm ngực thầm quán nguyện năm điều):
 
1/Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, muôn loài với rất nhiều tình thương và công phu lao tác.
2/Xin nguyện ăn cơm trong chánh niệm, với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
3/Xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành xấu, nhất là tâm hành Tham Lam và nguyện ăn uống có chừng mực.
4/Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng cơ thể và ngăn ngừa tật bệnh.
5/Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ, thành tựu đạo nghiệp độ đời nên con thọ nhận thức ăn này.
 
KIẾT TRAI KỆ CHÚ:
Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đề, cu chi nẫm, đát điệt tha.
Án chiếc lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha. (3 lần)
Sở vị bố thí giả, tất hoạch kỳ lợi ích, nhược vị nhạo bố thí, hậu tất đắc an lạc.
Phạn thực dĩ ngật, đương nguyện chúng sanh, sở tác giai biện, cụ chư Phật Pháp.
 
KINH HÀNH NIỆM PHẬT (đồng đứng dậy trong nhẹ nhàng, chắp tay)
Quy mạng lễ A Di Đà Phật
Ở Phương Tây thế giới an lành
Con nay xin phát nguyện vãng sanh
Cúi xin đức Từ Bi tiếp độ.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật  (kinh hành niệm Phật)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Giêng 2015(Xem: 19552)
Để giúp cho đại chúng có nhiều lợi lạc, trong khóa tu xin nhớ luôn phòng hộ thân tâm, giữ gìn chánh niệm, tập quán chiếu những thói quen, chỉnh đốn những tật xấu dựa trên căn bản Giới-Định-Tuệ. Trong thời gian tham dự khóa tu xin đại chúng hoan hỉ áp dụng các điều sau đây
ỦNG HỘ CÚNG DƯỜNG
Donate Amount:
(Currency: CAD)
Provide Receipt For Taxes (Cần Biên Nhận Khai Thuế)
Đặc San Vườn Trúc
11328 - 97 St, Edmonton, AB, Canada T5G 1X4 Phone (780) 471-1093, Email: tvtruclam97@gmail.com