Ngày Hiệp Kỵ tại Tu Viện Trúc Lâm (Bài giảng về sự biết ơn)

03 Tháng Mười Một 20142:14 SA(Xem: 47540)
Ngày Hiệp Kỵ tại Tu Viện Trúc Lâm
(Bài giảng về sự biết ơn)
Ngày 3 tháng 2 năm 2013
Thích Thiện Tâm

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hôm nay là ngày hiệp-kỵ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thầy tổ của chúng ta nhân dịp cuối năm Nhâm Thìn để chuẩn bị bước sang một năm mới, chỉ còn đúng một tuần nữa thôi là ngày nguyên đán của năm Quý Tỵ.

Thưa quý vị,

Ông bà, cha mẹ, thầy tổ chúng ta mất đi ta đau lòng lắm chứ, ngay như chúng tôi những người đã đi xuất gia rồi mà khi hay tin ông bà, cha mẹ, thầy tổ mất cũng không khỏi đau lòng. Khi xưa lúc đức Phật nhập Niết-bàn A-nan là vị thị giả của Đức Phật cũng không cầm được nước mắt. Chính đức Phật cũng có những cảm xúc biểu tỏ sự yêu thương, kính trọng và biết ơn bình thường như chúng ta thôi. Như khi hay tin vua cha Tịnh Phạn đau nặng, Ngài đã về thăm viếng, thuyết pháp cho phụ hoàng nghe, rồi khi vua Tịnh Phạn băng hà Ngài lo tang sự cho cha chu đáo. Đối với dòng họ, Ngài cũng quan tâm nhất mực, như khi hay tin Vua Tỳ Lưu Ly xua quân sang tiêu diệt dòng họ Thích Ca, ba lần Ngài ra ngồi bên vệ đường nơi biên giới xứ Kiều-Tát-La và Ca-Tỳ-La-Vệ để khuyên can nhà Vua. Ngài ngồi dưới một gốc cây trơ trụi lá. Vua hỏi Ngài tại sao Thế Tôn không ngồi dưới tàng cây bóng mát? Ngài trả lời: gốc cây này năm xưa cũng là một tàng cây xum xuê bóng mát cho ta nương tựa, dù ngày nay nó trơ trụi lá nhưng là chổ ơn nghĩa ta vẫn không thể quên. Vua Tỳ Lưu Ly nghe nói thế suy gẩm rồi bèn rút quân về. Lòng hiếu thảo và sự biết ơn là bản chất rất bình thường của con người và đến rất tự nhiên nên khiến cho tất cả ai ai cũng không khỏi bùi ngùi xúc động khi có người thân qua đời.

Nhưng chỉ than khóc, tiếc thương, muốn người thân sống mãi với mình thì chẳng lợi ích gì. Vì điều đó không thể xảy ra. Chúng ta thử nghĩ, một người già nua yếu ớt, bệnh tật đủ thứ thì còn vui sướng gì mà ham sống. Hoặc như tuổi trẻ mà bị ung thư thời kỳ cuối cũng chẳng cứu vãn được thì thôi đành phải để cho họ chia tay, khỏi bị hành xác đau đớn nhiều. Nhưng chết nào phải chia tay vĩnh viễn đâu, thiền sư Mãn Giác đã thức ngộ đại chúng:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai

Chúng ta là người con Phật chúng ta phải biết học theo hạnh Phật đó là thuyết pháp cho người thân nghe lúc họ còn sống gọi là cầu an, nhưng rất tiếc người thân bây giờ đã không còn nghe thấy gì nữa thì chúng ta thành tâm niệm Phật, tụng kinh chú nguyện cho người thân trong cõi trung-ấm-thân được nghe kinh được ngộ đạo, một khi họ biết mình không còn sống trên dương trần này nữa, mà phải đi đầu thay gọi là tái sanh, thì khuyên họ phải mau mau quay đầu trở lại tìm đường về bến giác đó là trở về nương tựa nơi tha lực của đức Phật A Di Đà, biết nhất tâm hướng Phật, niệm Phật cầu vãng sanh cực lạc quốc. Đức Phật A Di Đà đã phát 48 lời nguyện cứu độ chúng sinh, trong đó có lời nguyện thứ 18 mở rộng vô cùng: “giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí thành tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được vãng sanh thì tôi chẳng ở ngôi chánh giác”. Thì tại sao chúng ta lại không nhận ân phước này mà nương theo bi nguyện lực của Ngài để được cứu độ, đó gọi là cầu siêu. Vì thần thức người mới mất vẫn còn phưỡn phất đâu đây, vẫn còn trìu mến gia đình, thương yêu con cháu nên chưa thể một sớm một chiều mà đi đầu thay. Chúng ta có hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ ông bà khi còn sống, đốt của cải áo quần, nhà cửa vàng mã cúng kiến cho người thân đã mất bao nhiêu đi nữa cũng không cứu độ họ được, chi bằng cho họ cơ hội nghe kinh, nếu có chút căn lành họ sẽ tự phát tâm nương theo Phật lực. Thật vậy Phật lực thì vô biên, bất khả tư nghì, đem trí phàm phu của ta để luận bàn thì không thể nào hiểu được.

Mỗi chúng ta ai ai cũng có một chuổi dây liên hệ giữa bản thân và dòng họ. Không có ông bà, cha mẹ thì không có ta ngày nay. Không có Phật, Pháp, Tăng, thầy tổ thì cũng không có ta ngồi đây. Ta không thể nói rằng: tôi đâu cần phải nặng lòng với ai, vì tôi là một thực thể riêng, tôi có tự do riêng của tôi, tự lo cho đời sống của chính tôi, chúng ta chỉ có liên hệ trên danh nghĩa. Nói như thế là cách nói của một đứa con nít, khi chúng đòi bánh kẹo mà cha mẹ chưa kịp cho, tức lên mà nói như vậy. Còn nếu chúng đã trên mười tám, hai mươi tuổi mà nói như thế thì quả là một đứa con quá nông nỗi vô minh chưa ý thức gì cả.

Trong mối liện hệ giữa ta và gia đình, dòng họ đời cũng như đạo lớn lắm chứ? Từ tổ tiên ông bà bên trên truyền xuống đến cha mẹ, rồi đến ta cho ta một tấm thân lành mạnh, đẹp đẻ, thông minh như thế này không phải đã trải qua một quá trình nhân hậu, phúc đức, khéo léo, biết cách sống đẹp đẻ cho sức khỏe và tâm hồn mới truyền trao cho ta một tấm thân tốt đẹp nguyên vẹn như ngày hôm nay? thế tại sao ta lại bảo là không đáng để nhớ ơn. Nếu chuỗi liên hệ từ trên xuống không tốt, họ không biết thương yêu gia đình, thương yêu thế hệ con cháu, sống bê tha trụy lạc, đam mê trát tán bất kể bản thân thì có lẻ chúng ta ngày nay không được như thế này.

Lên non mới biết non cao thấp
Xuống biển mới hay biển rộng sâu
Nuôi con mới biết ơn cha mẹ
Cực khổ lo toan đến bạc đầu

Có một câu chuyện mà ông Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư Đại học New South Wales, nước Úc, nói về công ơn cha mẹ qua đề tài “Đức Phật và Loãng Xương”. Đáng làm bài học cho tuổi trẻ ngày nay suy gẩm.

Tôi không nói Đức Phật bị loãng xương; tôi chỉ muốn nhân dịp Lễ Vu Lan báo hiếu để nói về kiến thức của Phật về xương, về người mẹ và căn bệnh âm thầm có tên là loãng xương. Loãng xương là vấn đề đáng quan tâm vì bệnh liên quan đến nhiều hệ quả, kể cả tử vong. Ít người biết rằng nguy cơ gãy cổ xương đùi bằng hoặc cao hơn nguy cơ ung thư vú, và nguy cơ tử vong vì gãy cổ xương đùi tương đương với nguy cơ tử vong ung thư vú.
Lần đầu tiên tôi tiếp cận kiến thức của Phật về xương hình như là hơn 15 năm trước. Dạo đó, tôi chở bà nhạc đi chùa, và cũng tham gia với các Phật tử khác tụng Kinh Báo hiếu. Có lẽ hơi khác với các Phật tử đang thả hồn vào lời kinh, tôi chú ý đến đoạn Đức Phật giảng về xương, mà theo kiến thức của y học hiện đại ngày nay là chính xác.

Đức Phật lí giải về xương  

Nhưng trước khi bàn về kiến thức về xương của Đức Phật, có lẽ tôi phải nói qua một chút về nội dung của Kinh Báo hiếu. Trong một chuyến đi hoằng pháp của Đức Phật, Ngài và đoàn tuỳ tùng đi ngang qua một đống xương khô cao như núi. Đức Phật quì xuống lạy đống xương. Vị tôn giả tên là A Nan ngạc nhiên hỏi sao Phật làm như thế, và Ngài giải thích rằng Ngài lạy ông, bà, cha, mẹ, hay nói chung là những bậc tiền nhân. Đức Phật bèn bảo A Nan nên sắp xếp đống xương cho thứ tự, nam nữ để riêng ra, chứ hỗn độn như thế thì rất không phải. Tôn giả A Nan hỏi làm sao biết xương nào là của nam giới, và xương nào là của nữ giới. Đức Phật giải thích rằng việc phân biệt cũng không khó vì trọng lượng xương của nam cao hơn nữ. Ngài còn suy luận rằng sở dĩ trọng lượng xương của nữ thấp hơn nam là vì người nữ phải sinh nặng đẻ đau, mất máu, và mất sữa cho con bú. Nguyên văn những câu kinh liên quan là như sau:

Phật mới bảo: A Nan nên biết
Xương nữ nam phân biệt rõ ràng
Đàn ông xương trắng nặng hoằng
Đàn bà xương nhẹ đen thâm dễ nhìn.
Ngươi có biết cớ chi đen nhẹ?
Bởi đàn bà sanh đẻ mà ra
Sanh con ba đấu huyết ra
Tám hộc, bốn đấu sữa hòa nuôi con.

Nên nhớ rằng những suy luận này (chẳng biết tôi dùng chữ “suy luận” có đúng không nữa) đã được phát biểu từ hơn 2500 năm trước. Ở thời điểm đó thì chắc chắn không có thiết bị y khoa để đo lường xương mà so sánh nặng hay nhẹ. Vậy chúng ta thử “kiểm định” xem những gì Đức Phật suy luận có đúng với thực tế hay không.

Mật độ xương

Ngày nay, với phương tiện vật lí (như máy hấp thu hai tia năng lượng – dual energy X ray absorptiometry hay DXA), chúng ta có thể đo lường được lượng chất khoáng trong xương (bone mineral content). Lượng này thường được tính bằng gram. Nhưng để so sánh hai nhóm một cách khách quan, chúng ta cần phải tính lượng chất khoáng trên diện tích xương (hoặc thể tích xương). Diện tích vùng xương được đo thường được mô tả bằng centimeter vuông (cm2). Lấy lượng chất khoáng trong xương chia cho diện tích xương, chúng ta có chỉ số có tên là “bone mineral density” (mật độ chất khoáng trong xương, nhưng quen gọi tắt là mật độ xương) với đơn vị đo lường là gram/cm2. Những xương quan trọng thường là xương cột sống và xương đùi, vì đây là những nơi xương hay bị gãy.

Gần đây, chúng tôi đã đo mật độ xương trên 1200 nam và nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy nữ có mật độ xương thấp hơn nam. Nhưng sự khác biệt còn tuỳ thuộc vào độ tuổi. Ở độ tuổi 20-30, tính trung bình, mật độ xương đùi ở nữ giới thấp hơn nam giới khoảng 5%. Nhưng sau độ tuổi 60, mật độ xương ở nữ giới thấp hơn nam đến 17%. So với độ tuổi 20-30, mật độ xương ở nữ tuổi 60 trở lên mất gần 40%. Như vậy, bằng tuệ giác của mình, Đức Phật đã suy đoán đúng rằng nữ có trọng lượng xương thấp hơn nam.

Vai trò của estrogen

Tại sao ở độ tuổi 60 trở lên nữ có mật độ xương thấp hơn nam? Có nhiều nguyên nhân cho sự suy giảm mật độ xương ở nữ. Một trong những lí giải được nhiều người chấp nhận nhất và có chứng cứ khoa học nhất là do suy giảm hormone giới tính estrogen.

Estrogen là một hormone đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết qui trình chuyển hoá xương. Qui trình này rất phức tạp, nhưng với sự “tham gia” của hai nhóm tế bào tạo xương và huỷ xương. Khi các tế bào tạo xương hoạt động tích cực hơn các tế bào huỷ xương, chất khoáng trong xương được tạo ra; ngược lại, khi các tế bào hủy xương hoạt động tích cực hơn tế bào tạo xương thì chất khoáng trong xương bị suy giảm. Nồng độ estrogen trong cơ thể có chức năng ức chế các tế bào huỷ xương bằng cách ngăn chận một enzyme có tên là caspase-3. Do đó, ở nữ giới, người có nồng độ estrogen cao thường thường là những người có mật độ xương tốt.

Có 3 loại estrogen chính là estradiol, estrone, và estriol. Nhưng estradiol có ý nghĩa lâm sàng hơn hai loại kia. Ở nữ, estradiol chủ yếu được sản sinh từ buồng trứng; ở nam, estradiol được chuyển hóa từ testosterone (chú ý rằng testosterone là hormone nam tính). Do đó, nồng độ estrogen có thể đo từ máu, và từ kết quả xét nghiệm có thể biết được một cá nhân thiếu hay đủ estrogen.

Nồng độ estradiol trong máu ở nam và nữ có xu hướng biến chuyển rất khác nhau. Ở nam, nồng độ estradiol chỉ dao động trong khoảng 20 pg/mL, và hầu như không suy giảm theo độ tuổi. Tuy nhiên, ở nữ Việt Nam, nồng độ estradiol trong độ tuổi xuân thì là khoảng 90 pg/mL, nhưng đến tuổi sau mãn kinh (tức sau 50) thì giảm xuống chỉ còn 12 pg/mL, đến tuổi 60 trở lên, chỉ còn 7.5 pg/mL.

Sự suy giảm estradiol ở nữ giới sau thời kì mãn kinh (hay sau độ tuổi sinh sản) cũng có nghĩa là sự trỗi dậy của các tế bào huỷ xương, và dẫn đến sự suy giảm mật độ xương ở nữ giới.

Ngoài estrogen ra, còn có vài yếu tố khác liên quan đến quá trình sinh sản cũng làm cho xương của phụ nữ suy giảm. Sự suy giảm xương của người mẹ xảy ra ngay trong thời gian mang thai. Trong thời gian này, nhất là 3 tháng đầu mang thai, bào thai cần calcium để phát triển bộ xương, và nguồn calcium phải đến từ người mẹ. Mặc dù trong thời gian mang thai, nồng độ estradiol tăng cao, nhưng mật độ xương của người mẹ vẫn bị suy giảm, một phần là do chuyển calcium từ mẹ sang con.

Trong thời gian bà mẹ cho con bú (sữa mẹ) thì mật độ xương cũng suy giảm. Một số nghiên cứu trên những bà mẹ ở nước ngoài cho thấy trong thời kì này, mật độ xương của mẹ giảm khoảng 3 đến 9%, đặc biệt là xương cột sống và xương đùi. Cho con bú sữa mẹ cũng có nghĩa là chia sẻ calcium (một chất khoáng quan trọng trong xương) cho đứa con. Tuy nhiên, sau đó thì mật độ xương có vẻ “khôi phục” bình thường lại. Do đó, thường thường (không phải tất cả) những bà mẹ có nhiều con cũng là những người có mật độ xương suy giảm.

Điểm qua những sự thật trên, chúng ta thấy nữ giới có mật độ xương thấp (hay nói theo ngôn ngữ của Phật là trọng lượng xương thấp) hơn nam là do 3 yếu tố chính: suy giảm estradiol trong máu, chuyển calcium cho bào thai trong lúc mang thai, và chuyển calcium cho con sau khi sinh con. Như vậy, suy luận của Đức Phật về sự mất máu và sinh sản dẫn đến suy giảm trọng lượng xương ở nữ cũng hoàn toàn đúng.

Hệ quả giảm mật độ xương

Suy giảm mật độ xương có ý nghĩa quan trọng đến sức khoẻ của xương. Mật độ xương càng thấp, nguy cơ bị gãy xương càng cao. Do đó, mật độ xương đo bằng máy DXA được dùng để chẩn đoán loãng xương. Mật độ xương ở những người trên 50 tuổi được so sánh với mật độ xương lúc 20-30 tuổi, và thể hiện bằng một chỉ số có tên là “Chỉ số T” (thuật ngữ tiếng Anh là T-score). Trong thực tế, chỉ số T được tính toán bằng cách lấy mật độ xương của một cá nhân, trừ cho mật độ xương lúc 20-30 tuổi, và chia kết quả cho độ lệch chuẩn. Khi chỉ số T của một cá nhân (trên 50 tuổi) bằng hoặc thấp hơn -2.5 thì được chẩn đoán là “loãng xương”.
 
Hình chụp cấu trúc của xương bình thường (trái) và xương bị “loãng” (phải).

Osteoporosis là chữ ghép từ osteos (tiếng Hi Lạp có nghĩa là xương) và poros (có nghĩa là loãng).

Dùng tiêu chuẩn chẩn đoán trên, chúng tôi có thể đánh giá qui mô loãng xương ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của chúng tôi ở TPHCM và Hà Nội, ở những người trên 50 tuổi, cứ 10 người nữ thì có khoảng 3 người bị loãng xương; ở nam, cứ 10 người thì có 1 người bị loãng xương. Dùng số liệu dân số của Việt Nam năm 2010, chúng tôi ước tính rằng hiện nay có khoảng 2 triệu nữ và nửa triệu nam trên 50 tuổi đang trong tình trạng loãng xương.

Những người loãng xương có nguy cơ bị gãy xương tăng gấp 2-3 lần so với người có mật độ xương bình thường. Gãy xương, nhất là gãy cổ xương đùi, là một biến cố quan trọng trong một đời người. Bị gãy xương một lần làm tăng nguy cơ gãy xương lần thứ hai, và nguy cơ tử vong. Khoảng 15-20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng. Ở nữ, nguy cơ gãy cổ xương đùi tương đương với nguy cơ ung thư vú. Rất ít người biết rằng nguy cơ tử vong vì gãy cổ xương đùi cũng bằng hoặc cao hơn nguy cơ tử vong vì ung thư vú. Hiện nay, có một số thuốc có thể sử dụng để điều trị loãng xương, giảm nguy cơ gãy xương, và một vài thuốc còn giảm nguy cơ tử vong vì gãy xương.

Nói tóm lại, loãng xương ở nữ giới cao hơn nam giới, do mật độ xương ở nữ thấp hơn nam. Loãng xương ở nữ giới là một hệ quả của suy giảm estrogen khi về già, chuyển giao calcium cho người con trong khi mang thai và sau khi sinh con. Những khía cạnh này đã được Đức Phật đề cập đến hơn 2500 năm trước! Nhân ngày Lễ Vu Lan, đọc lại những lời Kinh Báo hiếu để thấy sự thông tuệ của Đức Phật, và để nhắc nhở chúng ta về sự mang nặng đẻ đau và hi sinh của những bà mẹ. Nhìn nhận những sự thật này cũng là một cách để chúng ta hiểu rằng chính chúng ta những người con mang hình hài của mẹ là một phần của nguyên nhân dẫn đến loãng xương cho mẹ.

Còn nói đến ơn đức của cha thì cũng vô số kể, đôi lúc nhà nghèo, cha một nắng hai sương cực khổ lo toan suốt một đời chỉ vì lo cho con được no ấm, được ăn học mà quên mình. Tuy ít nói, ít biểu tỏ sự thương yêu lộ liểu như mẹ nhưng tình cha cũng bao la vô bờ bến.

Cha một đời là dáng núi
Có trái tim mặt trời
Nhưng cha dấu trong đêm tối
Để mẹ làm trăng soi

Cha đã dày công nuôi dưỡng ta từ thưở bé:

“Có lúc chong đèn cha thức suốt
nghe hạt mưa lộp độp ở mái nhà
chỉ có trời mới hiểu hết tình cha
nó rộng lớn bao la hơn biển cả
rồi những lúc ngoài trời trở gió
cha lặng im ngước nhìn đây đó
tìm thân con sờ soạng trên gường
thằng nhỏ này co quắp thấy thương
cha thắp nến tìm chăn đến đắp
khi lúa thất, bão giông tới tấp
con lên đường tìm lấy cái ăn
sợ đứa con xa xứ nhọc nhằn
sợ xa vắng không ai chăm sóc
nay con lớn hai màu trên tóc
thấm thía đời nước mắt của cha
thời gian trôi thêm lấy cái già
còn vất vả nợ trần, cơm, áo
cha ơi! Con lớn nhanh như Thánh Gióng
sẽ tung hoành giữa sóng lớn gió to
con sẽ sống với những gì cha mong ước
hãy tin con! Cha mãi mãi trong long

Hoặc có những người cha cần cù dạy dỗ con cái từ thuở lên ba đến khi khôn lớn trưởng thành.

Công cha như núi thái sơn
Dạy con từ thuở cô đơn vào đời
Tình cha như ánh mặt trời
Chói chang nóng bỏng, rạng ngời yêu thương
Cha luôn dìu dắt chỉ đường
Mong con tìm được bước đường tương lai
Con nào hiểu được cha ơi
Mỗi khi phạm lỗi cha roi cha đòn
Nay con đã lớn đã khôn
Lời răn cha đó vẫn còn trong tâm
Bây giờ cha đã xa xâm
Nỗi đau để lại tím bầm ruột gan

Hoặc có những người cha dạy con rất khéo léo, văn vẽ, ý vị, rất chân tình, với cả trái tim và sự yêu thương vô bờ bến như:

Ông Tôn-Vận-Tuyền, viện trưởng viện Quốc Gia Hành Chánh, một chánh khách nổi tiếng, Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan gởi cho các con của ông lúc ông còn sống, bây giờ ông đã mất mới thấy lưu hành trên mạng internet, được nhiều phụ huynh đọc và cảm xúc sâu đậm.

Các Con thân mến,

Viết những điêu căn dặn này, tôi dựa trên 3 nguyên tắc như sau:

1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu để cảm thông thì hay hơn.

2. Tôi là Cha của các con, tôi không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc nầy đâu!

3. Những điều căn dặn để ghi nhớ nầy là kết quả bao kinh nghiệm, thất bại đắng cay trong cuộc đời của bản thân mà tôi ghi nhận được, nó sẽ giúp các các con tránh được những nhầm lẫn oan phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều các con nên ghi nhớ trong cuộc đời:

1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ, trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2. Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đường không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu đó không phải là chuyện trời sặp.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phí thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4. Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Aí tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy, tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bõ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng động, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình.

5. Tuy có nhiều người trên thế giới nầy thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là; không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục, đó là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều nầy!

6. Tôi không yêu cầu các con phải phụng dưỡng tôi trong nữa quãng đời còn lại của tôi sau nầy, Ngược lại, Tôi cũng không thể bảo bọc nữa quãng đời sau này của các con, lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc tôi đã làm tròn thiên chức của tôi. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

7.  Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ Tín, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ Tín với mình, Các con có thể yêu cầu mình phải đối sử Tốt với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối sử tốt với mình.  Mình đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8. Trong mười mấy, hai mươi năm nay, tôi tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh; muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới  khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì miễn phí cả.

9. Sum Hợp Gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau, dù ta có thuơng hay không thương, cũng khó không chắc có dịp gặp lại nhau lắm.

Thưa quý vị,
Đối với người con Phật tại gia hay xuất gia, ngoài bổn phận đáp đền công ơn tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta còn phải biết cung kính Tam bảo, nhớ ơn chư Phật và lịch đại tổ sư đã dày công truyền thừa mạng mạch chánh pháp cho đến ngày nay; không có họ ta không trưởng thành khôn lớn, không có họ ta không biết mình có một gia tài pháp bảo cao quý giữa cuộc đời này, giàu có dùng mãi không hết.

Sau đây chúng ta hãy nghe những lời dạy ân cần cuối cùng trước khi Đức Phật nhập Niết-bàn.

Trong những tháng cuối cùng, Phật đã gầy còm và mệt mỏi, nhưng vẫn đi thuyết giảng như thường, tuy không còn đi xa được nữa. A-Nan xin Phật hãy tĩnh dưỡng trong những ngày còn lại, nhưng Ngài khoát đi và dạy rằng:

“Thân ta tuy có kém mạnh khoẻ, nhưng lòng từ bi của ta, trí sáng suốt của ta không kém sút. Ta còn tại thế ngày nào thì ngày ấy không phải là một ngày vô ích”.

Trong một khu rừng cạnh thị trấn Câu-thi-na (Kusinaga, còn viết là Kuçinagara), ngày nay là một thị trấn nhỏ tên là Kasia, cách 50 cây số về phía đông tỉnh Gorakhpur, và cách 150 kilomét về phía bắc-đông-bắc Varanasi-Bénarès Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây sa-la. Ngài tự gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu hướng về phía bắc, mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia. Sau đó Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng của Đạo Pháp. Phật nhắc nhở các đệ tử phải hiểu rằng vị thầy của họ không phải là một nhân vật nào cả, dù đó là Phật, vị thầy đích thực của họ chính là Đạo Pháp (Y Pháp bất y Nhân). Đức Phật cất tiếng và nhắn nhủ các đệ tử đang ngồi chung quanh Ngài như thế này:

“Này các đồ đệ, các con hãy tự thắp đuốc để soi đường cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.

“Hãy nhìn vào thân xác các con, các con sẽ thấy cái thân xác đó ô uế biết chừng nào. Khi các con hiểu được rằng lạc thú lẫn đớn đau của thân xác cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ đau, khi hiểu được như thế, các con sẽ không thể nào tự buông lỏng đời mình cho dục vọng chi phối các con.

“Hãy nhìn vào tâm thức các con, các con sẽ thấy cái tâm thức đó biến dạng không ngừng. Vì thế các con sẽ không thể nào tự buông rơi vào chính những ảo giác của tâm thức, để rồi tự duy trì những kiêu căng và ích kỷ do tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã hiểu rằng những xúc cảm đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi.

“Hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng ? Có vật thể nào không phải là những cấu hợp sinh ra hay không ? Tất cả sẽ gẫy nát, tan rã và phân tán. Các con chớ sợ hãi khi nhận thấy khổ đau cùng khắp mọi nơi, hãy noi theo những lời giáo huấn của ta, kể cả sau khi ta tịch diệt. Như thế các con sẽ loại bỏ được khổ đau. Thật vậy, cứ noi theo những lời giáo huấn của ta, rồi nhất định các con sẽ trở thành những đồ đệ thật sự của ta.

“Này các đồ đệ của ta, những lời giáo huấn ta giảng cho các con, các con đừng bao giờ quên, đừng bao giờ để cho mai một đi. Phải bảo tồn những lời giáo huấn ấy, đem ra nghiên cứu và thực hành. Nếu theo đúng những lời giáo huấn ấy, các con sẽ đạt được an vui.

“Những gì hệ trọng nhất trong những lời giáo huấn của ta là các con phải kiểm soát được tâm thức các con. Hãy gạt bỏ mọi thèm muốn và giữ cho thân xác đứng thẳng, tâm thức tinh khiết và ngôn từ chân thật. Nếu các con biết tự nhắc nhở là cuộc sống của các con chỉ là tạm bợ, các con sẽ đủ khả năng loại bỏ mọi thèm khát và hung dữ đưa đến khổ đau.

“Nếu các con nhận ra được là tâm thức các con đang có xu hướng bám níu hay vướng mắc vào ham muốn, các con phải gạt bỏ ngay sự ham muốn và chận đứng sự cám dỗ đó. Các con phải làm chủ được tâm thức các con. Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú. Khi rơi vào sự lầm lẫn, ta có thể trở thành quỷ sứ, nhưng khi Giác ngộ ta sẽ thành Phật. Vì thế, các con phải kiểm soát lấy tâm thức các con và không đi lạc ra ngoài Chánh Đạo.

“Để có thể giữ đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau và đừng cãi vả. Đừng bắt chước như nước với dầu xô đẩy lẫn nhau; hãy bắt chước như nước với sữa, có thể hoàn toàn hòa lẫn vào nhau.

Hãy cùng nghiên cứu với nhau, cùng giảng giải cho nhau, thực hành với nhau. Không nên phí phạm tâm thức của các con và thời giờ của các con trong sự cãi vả hay lười biếng. Hãy hân hoan đón nhận hoa thơm của Giác ngộ vào lúc ra hoa và hái lấy quả ngọt trên Đường Ngay Thật.

“Những lời giáo huấn ta ban cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Các con nên tuân theo những lời giáo huấn ấy và giữ đúng như thế dù phải gặp hoàn cảnh khó khăn nào. Nếu các con xao lãng, có nghĩa là các con chưa hề gặp được ta, các con thật sự còn đang ở một nơi nào đó thật xa, dù cho trong lúc này đây các con đang ngồi bên cạnh ta cũng vậy. Nhưng nếu ngược lại, các con chấp nhận và đem ra thực hành những lời giáo huấn của ta, thì dù cho các con ở thật xa trong một chốn tận cùng của thế giới, nhưng cũng giống như các con đang ở bên cạnh ta trong lúc này.

“Hỡi các đồ đệ, phút cuối cùng của ta đã gần kề, phút xa lìa giữa ta và các con không còn bao lâu nữa. Tuy nhiên các con không nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không ngừng và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Cái sự thực đó, ta đang chứng minh cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con phải hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi ấy và hiểu được rằng sự sống của con người chỉ là trống không mà thôi. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý, mong muốn những gì tạm bợ phải nhất định trở thành trường tồn.

“Con quỷ của những dục vọng thế tục luôn luôn tìm cách đánh lừa tâm thức các con. Nếu có một con rắn độc trong phòng, các con sẽ không thể nào ngủ yên nếu chưa đuổi được nó ra ngoài. Các con phải cắt đứt những mối giây ràng buộc của thèm khát thế tục và rứt bỏ những mối giây đó như các con đã đuổi bỏ con rắn độc ra khỏi phòng. Các con phải bảo vệ thật cẩn thận tâm thức các con.

“Này các môn đệ của ta, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi.  Thân xác được cha mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bịnh tật và cái chết. Một vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ là sự Giác ngộ. Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi. Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta.

“Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.

“Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con”.

Chúng ta là người con Phật không thể để chánh pháp Như Lai bị lu mờ mai một mà phải được truyền thừa, được bồi đắp, cho khai thông.

Gốc rễ tâm linh xin bồi đắp
Suối nguồn huyết thống nguyện khai thông  

Đối với người tại gia,

Còn ràng buộc bởi gia đình, nhất là tuổi trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, đức Phật dạy nhiều điều thi thiết trong đời sống vợ chồng.
Ngày nay lớp trẻ, có truyền thống gia đình đầm ấm, hạnh phúc, ảnh hưởng bởi lời dạy của đức Phật chúng cũng biết khéo léo cân nhắc để chọn lựa người ý trung nhân xây dựng hạnh phúc gia đình theo tinh thần Phật dạy.
 
Kinh Phật dạy: muốn tính đến chuyện hôn nhân, xây dựng mái ấm gia đình. Việc trước tiên đó là lựa chọn người phối ngẫu. Nếu mình chọn được đối tượng phối ngẫu thích hợp, có được những điểm tương đồng thì gọi là “xứng đôi vừa lứa”. Thế nào được gọi là vợ chồng xứng đôi vừa lứa. Đôi vợ chồng xứng đôi vừa lứa là đồng đẳng với nhau về đức tin, về giới hạnh, về sự xả tài (không bỏn sẻn) và về trí tuệ thì cả hai người sẽ sống hạnh phúc trong cuộc sống gia đình ở hiện tại, và cả trong tương lai.

Đức Phật gọi sự phối hợp của hai người như thế là sự phối hợp của chư vị thiên namthiên nữ, hạnh phúc sẽ được lâu bền.

Đức Phật dạy có bốn hạng vợ chồng sống chung. Thế nào là bốn?

1.- Thiên nam sống chung với thiên nữ.
Này các tỳ-kheo, người chồng là người biết từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cấp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, từ bỏ sân hận, có chánh kiến, có giới hạnh, có thiện tánh, sống trong gia đình không bị tâm cấu uế xan tham chi phối, không nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành, và người vợ cũng là người biết từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cấp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, từ bỏ sân hận, có chánh kiến, có giới hạnh, có thiện tánh, sống trong gia đình không bị tâm cấu uế xan tham chi phối, không nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành, đó là đôi vợ chồng thiên nam sống chung với thiên nữ.
 
2.- Thiên nam sống chung với tiện nữ.
Này các tỳ-kheo, người chồng là người biết từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cấp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, từ bỏ sân hận, có chánh kiến, có giới hạnh, có thiện tánh, sống trong gia đình không bị tâm bị cấu uế xan tham chi phối, không nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành, còn người vợ lại là người sát sanh, trộm cấp, tà dâm, nói dối, đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, sân hận, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành. Như vậy, này các tỳ-kheo, đó là thiên nam sống chung với tiện nữ.

3.- Tiện nam sống chung với thiên nữ.
Này các tỳ-kheo, người chồng là người sát sanh, trộm cấp, tà dâm, nói dối, đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, sân hận, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành, còn người vợ biết từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cấp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, từ bỏ sân hận, có chánh kiến, có giới hạnh, có thiện tánh, sống trong gia đình không với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, không nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành. Như vậy, này các tỳ-kheo, đó là đôi vợ chồng tiện nam sống chung với thiên nữ.

4.- Tiện nam sống chung với Tiện nữ.
Này các tỳ-kheo, người chồng là người sát sanh, trộm cấp, tà dâm, nói dối, đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, sân hận, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành, còn người vợ cũng sát sanh, trộm cấp, tà dâm, nói dối, đam mê cờ bạc, say sưa, nghiện ngập, sân hận, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các vị tu hành. Như vậy, này các tỳ kheo, đó là đôi vợ chồng tiện nam sống chung với tiện nữ.

Lại nữa đức Phật còn dạy rằng:

Này các tỷ-kheo, có năm đức tánh mà một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có khả năng sanh con. Đầy đủ năm đức tánh này, này các tỷ-kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông.
Này các tỷ-kheo, có năm đức tánh mà một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi không biếng nhác, có khả năng sanh con. Này các tỷ-kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân.
Với năm đức tính đó chính là mẫu người lý tưởng đáng được lựa chọn làm người để gửi gắm tình thương và hạnh phúc. Và thật sự, trong cuộc sống, năm yếu tố căn bản này nếu như trong gia đình nào không có được thì gia đình đó khó tìm được hạnh phúc đầm ấm, hoặc có hạnh phúc cũng không bền lâu.

Và có năm bổn phận giữa vợ và chồng cần phải giữ gìn:
1.- Phải biết cách chăm sóc nhan sắc và sức khỏe cho nhau
2.- Phải biết cách tiếp xử khéo léo với bà con của cả hai họ
3.- Phải sống trung thành và chung thủy với nhau trọn đời
4.- Phải khéo giữ gìn tài sản chung cho nhau và cho con cái
5.- Phải khéo tìm việc làm không gây tổn hại đến hạnh phúc.

Khi đã chọn lựa được người phối ngẩu tốt, hợp lòng, có đầy đủ yếu tố để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc lứa đôi thì quý vị đã có đầy đủ duyên lành phúc đức, chắc chắn sẽ có hạnh phúc. Tuy nhiên cũng cần phải ý thức rõ một điều là: đoạn đường dài trong cuộc sống, công danh sự nghiệp có lúc cũng thăng trầm, sức khỏe cũng suy kém vì bệnh tật, vì sinh đẻ khiến sa súc tinh thần, hoặc cực nhọc vì lo lắng chăm sóc cho con cái thì phải biết an ủi, nâng đở tinh thần cho nhau, biết chia sẻ trách nhiệm với nhau thì quý vị sẽ vượt qua mọi khó khăn để giữ tròn hạnh phúc suốt cuộc đời này.
Đức Phật không những chỉ dạy cho tuổi trẻ về kinh nghiệm lứa đôi, đức Phật còn chỉ dạy cho vua chúa Phật tử cách sống đạo đức và trị nước an dân khiến đất nước thái bình, quốc gia thịnh trị.

Một hôm vua Ưu-điền ngồi trong tịnh thất nơi thanh vắng suy nghĩ: Làm thế nào để biết lỗi lầm thật sự, công đức chân thật của các đế vương? Nếu biết ta sẽ bỏ các lỗi lầm mà tu tạo các công đức. Có Sa-môn tịnh hạnh nào hiểu rõ để giảng cho ta. Sau đó vua lại nghĩ: Chỉ có Thế Tôn của ta là bậc đại sư trong ba cõi, đầy đủ nhất thiết trí, chắc chắn biết lỗi lầm, công đức chân thật của các vua. Ta phải đến gặp Thế Tôn thưa hỏi việc này.

Nghĩ xong nhà vua liền đến chỗ Phật thưa hỏi:

Bạch Thế Tôn! Thế nào là lỗi lầm của các vua? Thế nào là công đức chân thật của các vua?

Đức Phật dạy, một vị đế vương có mười điều lầm lỗi, mười thứ công đức, năm loại hành vi xấu làm đế vương bị suy tổn, và có năm điều khiến cho đế vương được thần dân yêu thích, quí kính.

Mười điều lầm lỗi là:
1. Dòng họ không cao quí.
2. Không có quyền lực.
3. Bản tánh hung ác.
4. Chính sách hà khắc, hung dữ.
5. Ít ban bố ân huệ.
6. Nghe theo lời tà vạy, nịnh hót.
7. Làm việc không thuận theo qui chế của tiên vương.
8. Không hướng đến thiện pháp.
9. Không xem xét việc phải trái hơn thua.
10. Chỉ ăn chơi buông lung.

Nếu quốc vương nào phạm 10 lỗi lầm này thì dù kho tàng to lớn, binh hùng tướng mạnh, cũng không bao lâu đất nước sẽ gặp tai họa loạn lạc. Đại vương nên biết, lỗi đầu thuộc dòng họ vua, còn 9 lỗi sau thuộc tự tánh của vua.

Mười công đức là:
1. Dòng họ cao quí.
2. Được quyền lực lớn.
3. Tánh tình không hung dữ.
4. Chính sách khoan hồng
5. Ân huệ nồng hậu.
6. Nghe theo lời nói chánh trực.
7. Làm việc thuận theo lời dạy của tiên vương.
8. Hướng đến thiện pháp.
9. Biết rõ việc phải trái hơn thua.
10. Không buông lung, phóng đãng.

Nếu quốc vương nào có đủ 10 công đức như vậy thì dù quốc gia không có kho tàng, hay thiếu binh hùng tướng mạnh, nhưng không bao lâu đất nước cũng tự nhiên giàu mạnh và được mọi người qui ngưỡng.

Còn thế nào là năm hành vi xấu làm cho vua bị suy tổn?
1. Không khéo quan sát, theo dõi quần thần.
2. Tuy khéo quan sát nhưng không có ân huệ, tuy có ân huệ nhưng không kịp thời.
3. Chỉ lo vui chơi, không nghĩ đến việc nước.
4. Chỉ lo vui chơi buông lung, không giữ gìn kho tàng.
5. Chỉ lo vui chơi không tu hành pháp thiện.

Nếu quốc vương nào phạm vào 5 điều trên thì mất phước báo trong hiện tại và cả đời sau….

Lại có năm điều khiến nhà vua được thần dân yêu thích, quí kính:
1. Ân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng.
2. Anh dũng đầy đủ.
3. Khéo dùng phương tiện quyền xảo.
4. Lãnh thọ vật dụng đúng đắn.
5. Siêng tu thiện pháp.

Thế nào là ân nghĩa nuôi dưỡng dân chúng? Nghĩa là nhà vua bản tánh biết đủ, không tham. Nếu có kho tàng tùy theo khả năng cung cấp, bố thí cho người nghèo cô độc… dùng lời êm dịu khuyến hóa dân chúng…

Thế nào là anh dũng đầy đủ? Nghĩa là nhà vua có tinh thần không trụy lạc, võ lực mưu lược đầy đủ. Những người chưa hàng phục thì làm cho hàng phục, những người đã hàng phục thì bảo hộ họ.

Thế nào là khéo dùng phương tiện quyền xảo? Nghĩa là nhà vua khéo hiểu biết, phân biệt rõ ràng các việc. Dùng phương tiện nhiếp phục tất cả kẻ oán địch.

Thế nào là lãnh thọ vật dụng đúng đắn? Nghĩa là nhà vua biết tính toán kho tàng tăng giảm, không xa xỉ, keo kiệt, sử dụng ở mức bình thường, tùy thời cung cấp cho quần thần, thân tộc… khi bệnh nên ăn những món nên ăn, ăn theo lời thầy thuốc… Nếu có món ăn ngon nên chia cho mọi người.

Thế nào là siêng tu thiện pháp? Nghĩa là nhà vua đầy đủ tín, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh.

Về tín thanh tịnh, là rõ biết tin có đời sau và tin quả báo nhân thiên, nghiệp thiện, bất thiện đời sau.

Thọ trì tịnh giới, là mỗi năm ba tháng, mỗi tháng sáu ngày trai giới, xa lìa sát sanh, trộm cắp, v.v… đó là giới thanh tịnh.

Văn thanh tịnh, là hiểu biết nghiệp đời này và quả đời sau, tu tạo phước đức, tấn tu đạo nghiệp, ưa các pháp môn vi diệu…

Xả thanh tịnh, là tâm xa lìa xan tham, tự tay bố thí, tu phước viên mãn…

Tuệ thanh tịnh, là hiểu biết như thật có tội, không tội, thân cận các Sa-môn đa văn, giới hạnh, xa lìa điều ác, tà giáo.

Và biết rõ quả báo viên mãn, sĩ dụng viên mãn, công đức viên mãn.

Nhà vua kế tục đế nghiệp, sanh vào thị tộc thông minh, trí tuệ, kho tàng, tài bảo dùng hoài không hết, đó gọi là quả báo viên mãn.

Nếu quốc vương khéo dùng phương tiện quyền xảo, thường thành tựu các việc, anh dũng trong đánh trận, thông đạt các môn kỹ nghệ, đó gọi là sĩ dụng viên mãn.

Nếu quốc vương thọ trì chánh pháp, cùng các nội cung, vương tử, đại thần thực hành bố thí, làm các việc thiện, trì trai, thọ giới… Đó gọi là công đức viên mãn.

Nếu ai thực hành đầy đủ như vậy gọi là đầy đủ tuệ thanh tịnh.

Sau khi giảng dạy rõ ràng, đức Phật bảo nhà vua: vào lúc sáng sớm mỗi ngày nên đọc, hoặc tụng giáo pháp tối thượng này, nương theo đó tu hành, thì gọi là Thánh vương, Pháp vương; ngoài ra còn được chư Phật, Bồ-tát, trời, rồng… thường theo hộ trì, và có thể làm cảm động đến thế gian, mưa thuận gió hòa, chiến tranh chấm dứt, được các nước đến triều cống, phước lộc vô biên, nước nhà an lạc, thọ mạng lâu dài. Tất cả đều được lợi ích, hiện đời được an lạc.

Vua Ưu-điền nghe Phật dạy xong quá đỗi vui mừng, nguyện thọ trì phụng hành theo.

Thưa quý vị, tóm lại buổi giảng hôm nay:

Ân đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ thật là bao la vô bờ bến, muốn báo đáp sâu nghĩa rộng này thì ngoài chuyện phụng dưỡng, đem chánh pháp hướng dẫn cho họ khi còn sống để khi lâm chung thân an niệm chánh vãng sanh về cõi an lạc. Có như thế mới gọi là đáp đền trọn vẹn ân đức đó.

Ân đức của Tam Bảo nói cũng không cùng, muốn đáp đền ơn chư Phật, chư tôn Pháp, chư hiền Thánh Tăng không có gì cao quý hơn là noi theo chánh pháp của Ngài, biết tu tập giải thoát, vĩnh viễn không còn luân hồi sanh tử. Lại nguyện hoàn lai hộ trì chư Phật chuyển bánh xe Pháp làm lợi lạc quần sanh. Đấy là ý nghĩa đầy đủ nhất của buổi lễ hiệp kỵ ngày hôm nay. Chân thành cảm ơn quý vị.

Nam Mô Bổ Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
 
Phật đang thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển về chân lý Bốn Sự Thật của cuộc đời, độ 5 anh em nhóm Kiều Trần Như. Từ đây Tam Bảo: Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn được hình thành.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Năm 2015
ỦNG HỘ CÚNG DƯỜNG
Donate Amount:
(Currency: CAD)
Provide Receipt For Taxes (Cần Biên Nhận Khai Thuế)
Đặc San Vườn Trúc
11328 - 97 St, Edmonton, AB, Canada T5G 1X4 Phone (780) 471-1093, Email: tvtruclam97@gmail.com