Chó Chẩn Đoán Ung Thư!

03 Tháng Mười Một 20142:15 SA(Xem: 6334)
Ý tưởng về sử dụng chó trong việc chẩn đoán hay phát hiện ung thư, nếu thoạt đầu mới nghe qua, có người sẽ cho là điên rồ.  Nhưng một vài nghiên cứu gần đây có thể làm thay đổi định kiến đó.  Nói một cách ngắn gọn, chó có thể phát hiện một số ung thư chính xác hơn cả các phương tiện máy móc điện tử khác như quang tuyến X.

Ung thư là một trong những bệnh nguy hiểm nhất mà con người biết đến.  Ở các nước kĩ nghệ, ung thư là nguyên nhân thứ hai (sau các bệnh tim mạch) gây ra tử vong cho dân chúng.  Nghe đến hai chữ “ung thư”, rất nhiều người sợ hãi.  Dưới mắt nhiều người, nó là căn bệnh kinh tởm.  Nó là căn bệnh khi một cơ phận trong cơ thể bị hư hỏng một cách tuyệt vọng.  Tế bào phát triển nhanh nhưng “mất trật tự”, và lan sang các cơ phận khác trong cơ thể, và cuối cùng “ăn sống” cơ thể làm cho cơ thể phải chết.

Ngay cả bác sĩ cũng sợ hãi ung thư.  Tôi còn nhớ trong một seminar bàn về các bệnh nan y, diễn giả trình bày vấn đề bệnh tim mạch bằng những hình hoạt họa nhằm mục đích khuyến khích quần chúng thường xuyên tập thể dục, ăn uống điều độ, giảm lượng chất béo trong cơ thể để giảm nguy cơ bị bệnh tim.  Có nhiều hình hoạt họa làm cho cử tọa cười thoải mái, và buổi giảng làm nhiều người hài lòng.  Nhưng khi qua đến phần ung thư thì toàn bộ thính giả (tức toàn bác sĩ và giới nghiên cứu khoa học) chẳng thấy ai cười, ai cũng tỏ vẻ rất quan tâm.

Trong nỗ lực phòng ngừa ung thư, các nước phương Tây đã phát động nhiều chương trình truy tìm ung thư trong những người chưa có triệu chứng ung thư.  Cái lô-gích đằng sau các chương trình truy tìm ung thư này rất đơn giản: phát hiện ung thư sớm sẽ có cơ hội điều trị kịp thời; và điều trị sớm cũng có nghĩa là xác suất cứu sống bệnh nhân tăng lên.  Tính từ thập niên 70s (khi các chương trình này được phát động đầu tiên) cho đến nay, chỉ riêng Mĩ, có hơn 30 triệu phụ nữ đã  tham gia vào các chương trình thử nghiệm ung thư vú, và hơn 20 triệu đàn ông đã đi thử nghiệm ung thư tuyến tiền liệt.  Tại một số nước như Mĩ và Úc, truy tìm ung thư trở thành một dịch vụ thương mại.  Hàng ngàn trung tâm thử nghiệm ung thư với những trang thiết bị tinh vi ra đời.

Chẩn đoán ung thư và sai sót

Làm sao biết một bệnh nhân thật sự bị ung thư?  Hiện nay phương pháp chuẩn xác nhất để chẩn đoán ung thư là sinh thiết (biopsy).  Sinh thiết thực chất là một phương pháp thử nghiệm: cắt một mô nhỏ trong cơ thể và để nó dưới kính hiển vi để xem có ung thư hay không.  Do đó, sinh thiết là một cuộc phẫu thuật nhỏ, và cũng như bất cứ cuộc phẫu thuật nào, nó cũng để lại cho người bệnh nỗi đau đớn, và có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp tiếp theo.  Do đó, sinh thiết không phải là loại thử nghiệm bác sĩ muốn tiến hành cho tất cả bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân không có triệu chứng.

Thay vì làm sinh thiết, trong vài thập niên gần đây các nhà khoa học đã phát triển những phương pháp chẩn đoán không xâm phạm lớn đến người bệnh.  Có thể tạm gọi đây là những phương pháp gián tiếp.  Để rà soát ung thư vú, phương pháp phổ biến nhất là quang tuyến X (còn gọi là mammography).  Để phát hiện ung thư cổ tử cung, các bác sĩ sử dụng phương pháp thử nghiệm pap smear.  Về ung thư tuyến tiền liệt trong đàn ông, phương pháp thử máu đo độ PSA là một phương pháp chuẩn.  Đối với ung thư phổi, quang tuyến X được ứng dụng phổ biến nhất.

Trong một thế giới lí tưởng, các phương pháp thử nghiệm phải chính xác tuyệt đối: nếu bệnh nhân bị ung thư thì thử nghiệm cho ra kết quả dương tính (còn gọi là dương tính thật); nếu bệnh nhân không bị ung thư thì thử nghiệm cho ra kết quả âm tính (còn gọi là dương tính thật).  Nhưng trong thực tế không có phương pháp thử nghiệm hay chẩn đoán nào đạt được tỉ lệ dương tính thật và âm tính thật 100% cả.

Vì tính gián tiếp của các phương pháp này, chúng đều có một độ sai sót nhất định. Có hai loại sai sót mà giới y tế quan tâm nhiều nhất: đó là dương tính giả (false positive) và âm tính giả (false negative).  Dương tính giả là trường hợp một người bệnh có kết quả thử nghiệm dương tính, nhưng trong thực sự qua sinh thiết người đó không bị ung thư.  Ngược lại, âm tính giả là trường hợp một người bệnh có kết quả thử nghiệm âm tính, nhưng trong thực tế người đó bị ung thư.  Trong chẩn đoán ung thư vú bằng X quang, tỉ lệ dương tính giả và âm tính giả có thể dao động giữa 5% và 10%.  Với ung thư tuyến tiền liệt, hai tỉ lệ này có thể lên đến con số 20%.

Đối với người bệnh, một chẩn đoán ung thư cũng đồng nghĩa với một bản án tử hình.  Do đó, nếu kết quả là dương tính giả hay âm tính giả có thể gây ra tác hại tâm lí rất lớn cho người bệnh.  Đã có nhiều người tự tử vì những sai sót này.  Thành ra, một trong những nỗ lực nghiên cứu của y học là phát triển các phương pháp chẩn đoán mới chính xác hơn.

Chó chẩn đoán ung thư

Mới đây các nhà nghiên cứu đã đề xuất một phương pháp chẩn đoán táo bạo và mới: dùng chó để chẩn đoán ung thư!  Chẳng những đề xuất, các nhà khoa học còn tiến hành một thử nghiệm để xem độ chính xác của việc chẩn đoán ung thư bằng chó là bao nhiêu (1).  Để có kết quả này, họ đã làm một thử nghiệm hay và độc đáo, theo qui trình sau đây:

Trước hết, các nhà nghiên cứu liên lạc một trung tâm chuyên huấn luyện chó cho người mù, và chọn được 5 con chó tuổi từ 7 đến 18 tháng.  Đây là loại chó giống Labrador và Bồ Đào Nha.

Trong giai đoạn thứ hai, các nhà nghiên cứu bắt đầu huấn luyện chó cách ngửi hơi thở.  Mẫu hơi thở của bệnh nhân ung thư hay người không bị ung thư được thu thập và chứa trong một ống tube.  Nếu chó ngửi đúng ung thư thì được thưởng một xuất ăn, và ngồi xuống trước mẫu; còn nếu không phải ung thư thì chó được huấn luyện là bỏ đi (nhưng cũng có phần thưởng một xuất ăn).  Trong giai đoạn này họ sử dụng mẫu hơi thở của 27 bệnh nhân ung thư phổi, 25 bệnh nhân ung thư vú, và 66 người không bị ung thư.

Giai đoạn thứ ba, các nhà nghiên cứu bèn thu thập các mẫu hơi thở của 28 bệnh nhân ung thư phổi, 6 bệnh nhân ung thư vú và 17 người không bị ung thư.  Họ cho 5 con chó ngửi các mẫu này, và từ đó xác định tỉ lệ dương tính thật và âm tính thật.

Kết quả của công trình nghiên cứu này có thể tóm tắt trong bản thống kê dưới đây.  Đối với ung thư vú, tỉ lệ dương tính thật là 98% và âm tính thật là 88%.  Nói cách khác tỉ lệ dương tính giả (người không bị ung thư mà chó cho là bị ung thư) chỉ 2% và âm tính giả (bệnh nhân thật sự bị ung thư mà chó cho là không bị) là 12%.  Đối với ung thư phổi, thì kết quả cho thấy độ chính cao hơn trường hợp ung thư vú: tỉ lệ dương tính giả và âm tính giả chỉ 1%!  

Tóm tắt tỉ lệ dương tính thật và âm tính thật trong việc chẩn đoán ung thư vú và ung thư phổi bằng chó

Xác suất dương tính thật (true positive, sensitivity) Âm tính thật (true negative, specificity)
Chẩn đoán ung thư vú
Giai đoạn I 99/102 = 97% 45/51 = 88%
Giai đoạn II 37/38 = 97% 19/22 = 86%
Giai đoạn III 70/71 = 99% 27/31 = 87%
Giai đoạn IV 54/55 = 98% 19/21 = 91%
Tất cả 260/266 = 98% 110/125 = 88%
Chẩn đoán ung thư phổi
Giai đoạn I 137/137 = 100% 81/83 = 98%
Giai đoạn II 168/172 = 98% 135/135 = 100%
Giai đoạn III 275/277 = 99% 160/162 = 99%
Giai đoạn IV 128 / 132 = 97% 180/188 = 96%
Tất cả 708 / 718 = 99% 564/568 = 99%

Nguồn: McCulloch M, et al.  Diagnostic accuracy of canine scent detection in early- and late-stage lung and breast cancer.  Intergative Cancer Therapies 2006; 5(1):1-10.

Phải nói ngay rằng các kết quả trên đây thật là đáng khích lệ.  So với các máy móc đắt tiền như quang tuyến X, mammography, chó chẩn đoán ung thư phổi và ung thư vú còn chính xác hơn.

Thật ra, ý tưởng dùng chó trong việc phát hiện ung thư không phải mới.  Khoảng 25 năm về trước, đã có hai bác sĩ người Anh tường thuật từ câu chuyện của bệnh nhân rằng chó có thể ngửi các nốt ruồi và biết rằng bệnh nhân đó bị ung thư hay không (2). Câu chuyện này được kiểm chứng bằng một câu chuyện khác cũng cho thấy chó có thể ngửi ung thư (3).  Rồi đến năm 2001, các nhà nghiên cứu Anh làm một thử nghiệm sơ khởi và thấy quả thật chó có thể phát hiện ung thư bàng quang qua ngửi nước tiểu (3).  Trong công trình nghiên cứu sơ khởi này mức độ thành công của chó khá cao, và các nhà nghiên cứu kết luận rằng chó có thể huấn luyện để chẩn đoán ung thư.

Các nhà nghiên cứu Mĩ đi thêm một bước, với một nghiên cứu qui mô hơn, cẩn thận hơn và táo bạo hơn (1).  Người viết bài này đã đọc kĩ phần phương pháp và thiết kể của công trình nghiên cứu của nhóm người Mĩ, và thấy họ đã làm rất chặt chẽ, có qui cũ, tuyệt nhiên không thấy một khiếm khuyết nào về mặt phương pháp.  Tuy nhiên, tôi cho rằng mẫu bệnh nhân dùng cho chẩn đoán ung thư vú còn quá nhỏ (chỉ 6 bệnh nhân), cho nên có lẽ đó là lí do tại sao những ước tính về tỉ lệ âm tính thật và dương tính thật chưa được ổn định lắm.

Tuy nhiên, đối với ung thư phổi, kết quả nghiên cứu này cho thấy rõ ràng là chó có thể chẩn đoán ung thư chính xác hơn máy X quang.  Nhưng điều này có ý nghĩa gì?  Theo tôi, khám phá thú vị này cho thấy trong hơi thở của bệnh nhân ung thư và người khỏe mạnh có một (hay nhiều) đặc tính nào đó rất khác, mà chó có thể phân biệt được (nhưng con người thì chưa phân biệt được).  Như vậy, kết quả này đưa đường chỉ lối cho giới nghiên cứu tìm cách phát triển một phương pháp nào đó, có thể là hóa học, để phát hiện các đặc tính của hơi thở và qua đó chẩn đoán ung thư.

Cho dù chó có thể chẩn đoán chính xác hơn máy quang tuyến X, thì việc quyết định điều trị vẫn chưa thể dựa vào … chó.  Không phải vì chúng ta khinh khi con chó, mà vì cũng như các máy móc khác, chẩn đoán ung thư bằng chó chỉ là bước đầu, hay một tín hiệu để điều tra nghiên cứu thêm bằng các phương tiện khác.

Vấn đề đặt ra là kết quả này có đủ tính thuyết phục để dùng chó chẩn đoán thay cho bác sĩ hay không?  Không thể nào chỉ dựa vào một vài nghiên cứu mà thay đổi thực hành lâm sàng.  Vì thế, Trả lời câu hỏi này không dễ và chắc chắn cần phải có thêm nghiên cứu để đi đến một câu trả lời đáng tin cậy hơn.  Trả lời câu hỏi này cũng chính là một cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo:
1.  McCulloch M, et al.  Diagnostic accuracy of canine scent detection in early- and late-stage lung and breast cancer.  Intergative Cancer Therapies 2006; 5(1):1-10.
2.  Williams H, Pembroke A.  Sniffer dogs in the melanoma.  Lancet 1989; 1:734.
3.  Church J, Williams H.  Another sniffer dog for the clinic? Lancet 2001; 358:930.
4.  Willis CM, et al.  Olfactory detection of human bladder cancer by gogs: proof of principle study.  BMJ 2004; 329:712-4.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
ỦNG HỘ CÚNG DƯỜNG
Donate Amount:
(Currency: CAD)
Provide Receipt For Taxes (Cần Biên Nhận Khai Thuế)
Đặc San Vườn Trúc
11328 - 97 St, Edmonton, AB, Canada T5G 1X4 Phone (780) 471-1093, Email: tvtruclam97@gmail.com